THƯ VIỆN PHÁP BẢO NAMO84000

http://namo84000.com

GIỚI THIỆU BÁT NHÃ BỘ KINH

Bát Nhã bộ: (tập 5, 6, 7, 8)

Bộ này gồm 4 tập (từ tập 5 – tập 8). Chủ yếu là giới thiệu kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða.

1. Kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða, số 220, 600 quyển, chiếm hết 3 tập 5, 6, 7 với hơn 3.000 trang Hán tạng, do Pháp sư Huyền Tráng dịch từ tháng Giêng năm 660 đến tháng 10 năm 663 TL. Kinh gồm 16 hội, trong ấy, so với các kinh đã được dịch từ trước thì:

– 9 hội (1,3, 5, 11, 12, 13, 14, 15, 16) với tổng số 481 quyển là phần ngài Huyền Tráng dịch mới.

– 7 hội còn lại (2, 4, 6, 7, 8, 9, 10), đã có các vị đi trước dịch rồi và ngài Huyền Tráng dịch lại, gồm 119 quyển. Chẳng hạn:

a. Hội thứ 2: gồm 78 quyển, từ quyển 401-478. Các kinh sau đây đã được dịch trước ngài Huyền Tráng, thuộc về hội này:

– Kinh Phóng Quang Bát Nhã, 20 quyển, do Ðại sư Vô La Xoa dịch vào đời Tây Tấn, số 221, tập 8.

– Kinh Quang Tán Bát Nhã, 10 quyển, do Pháp sư Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, số 222, tập 8.

– Kinh Ma ha Bát Nhã Ba La Mật, 27 quyển, do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào đời Hậu Tần, số 223, tập 8.

b. Hội thứ 4: gồm 18 quyển (từ quyển 538-555). Bốn kinh sau đây đã được dịch trước ngài Huyền Tráng, thuộc về hội này:

– Kinh Ðạo Hành Bát Nhã, 10 quyển, do Ðại sư Chi Lâu Ca Sấm dịch vào đời Hậu Hán, số 224, tập 8.

– Kinh Ðại Minh Ðộ, 6 quyển, do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào đời Ðông Ngô (229-280), số 225, tập 8.

– Kinh Ma ha Bát Nhã Sao, 5 quyển, do hai Ðại sư Ðàm Ma Bì và Trúc Phật Niệm dịch vào đời Tiền Tần (351-384), số 226, tập 8.

– Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã, 10 quyển, do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào đời Hậu Tần, số 227, tập 8.

c. Hội thứ 9: gồm 1 quyển (quyển 577) mang tên là “Năng Ðoạn Kim Cương Phần”, tức là kinh Kim Cương mà phần đông người học Phật biết đến. Chúng ta cần ghi nhận thêm là, trước và sau ngài Huyền Tráng, kinh Kim Cương đã được nhiều bậc dịch giả dịch riêng. Hiện còn 5 bản dịch kinh Kim Cương sau đây (4 trước, 1 sau ngài Huyền Tráng):

– Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào đời Hậu Tần (đầu thế kỷ thứ V TL). số 235, tập 8.

– Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Ðại sư Bồ Ðề Lưu Chi dịch vào đời Nguyên Ngụy (339-556) đầu thế kỷ VI TL, số 236, tập 8.

– Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Ðại sư Chân Ðế (499-569) dịch vào đời Trần (557-588) giữa thế kỷ VI TL, số 237, tập 8.

– Kinh Kim Cương Năng Ðoạn Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Ðại sư Cấp Ða (?-619) dịch vào đời Tùy (580-618) cuối thế kỷ VI TL, số 238, tập 8.

– Kinh Phật thuyết Năng Ðoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Ða, 1 quyển, Ðại sư Nghĩa Tịnh (635-713) dịch vào đời Ðường (618-906) đầu thế kỷ VIII TL (sau ngài Huyền Tráng), số 239, tập 8.

Trong số này, bản dịch ra đời sớm nhất là bản dịch của ngài La Thập, như đã nói ở trước, chính là định bản.

2. Tập 8: Ngoài 3 tập 5, 6, 7 là kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða, tập còn lại (tập 8) của Bát Nhã bộ đã tập hợp giới thiệu các kinh thuộc hệ Bát Nhã (mang số từ 221 đến số 261) như các kinh đã nêu trong phần đối chiếu ở trên. Và đáng chú ý thêm nữa là Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða với 7 bản Hán dịch (mang số từ 250-257), trong đó, bản dịch ngắn gọn, súc tích và uyển chuyển nhất là bản dịch của Pháp sư Huyền Tráng (số 251), chính là bản mà người Phật tử thường đọc tụng. Pháp thoại ngắn này được xem là một thâu tóm phần tinh túy nơi diệu nghĩa của kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða, đồng thời nhấn mạnh những nét chính về diệu dụng bất khả tư nghì của quá trình tu tập Bát Nhã Ba La Mật theo nẻo trí tuệ vượt bờ đó. Theo Hòa thượng Trí Quang thì Ðại sư Tăng Triệu (384-414), một trong số các đệ tử xuất sắc của Pháp sư Cưu Ma La Thập, trong khi chú giải kinh Kim Cương đã cho rằng: “Chủ yếu của kinh Kim Cương là Không tuệ”. Và Hòa thượng giải thích thêm: “Không tuệ là tuệ giác Bát Nhã. Tuệ giác tri kiến như thật về Như, nghĩa là không còn ngã chấp nên gọi là không tuệ. Không tuệ ấy, tri kiến như thật về đối tượng của nó thì gọi là cảnh không, tri kiến như thật về bản thân của nó thì gọi là tuệ không, tri kiến như thật về chủ thể của nó (người tu không tuệ) thì gọi là người không…”[99].

Toàn bộ những điểm vừa nêu cũng có thể dùng để thâu tóm diệu nghĩa của kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða, và quá trình tu tập để chứng đắc Không tuệ ấy luôn khởi đầu cũng như chung cuộc, là từ việc khám phá, lý giải, hội nhập tính chất không của năm uẩn trong mối tương quan hai chiều hay nhiều chiều của chúng. Ðây chính là chỗ mà Tâm kinh Bát Nhã đã đúc kết và thuyết mình: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”. Nhiều nhà nghiên cứu Phật học đã cho rằng câu: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” của Tâm kinh Bát Nhã chính là một thâu tóm sinh động về toàn bộ diệu chỉ nơi kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða.

Như đã nói ở trước, kinh điển thuộc hệ Bát Nhã đã được dịch sớm ở Trung Quốc, tạo được ảnh hưởng đáng kể đối với tầng lớp trí thức. Nhà Phật học Trung Quốc đã có những tiếp cận thấu đạt nhất về diệu lý không của tư tưởng Bát Nhã chính là Ðại sư Tăng Triệu (384-414). Bài viết “Bát Nhã Vô Tri luận” in trong Triệu luận [100] là những phát hiện, soi sáng, mang tính lý giải, khẳng định hết sức sâu sắc, hàm súc về diệu lý không ấy. Cứ xem trong ÐTKÐCTT hiện có đến 2 bản Sớ giải về Triệu luận [101] cũng đủ thấy giá trị của tác phẩm Triệu luận nói chung, của bài viết “Bát Nhã Vô Tri luận” nói riêng.

Một số kinh thuộc Bát Nhã bộ đã được dịch ra tiếng Việt như:

– Kinh Ma ha Bát Nhã Ba La Mật, số 223, 27 quyển.

– Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, số 235, 1 quyển.

– Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật, số 251, 1 quyển.

Riêng bộ kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða gồm 600 quyển (số 220) đã được Hòa thượng Trí Nghiêm dịch ra Việt văn từ lâu, hiện đang được biên tập, hiệu đính, đối chiếu một cách cẩn trọng, để tiến tới xuất bản, góp phần hoàn thành Ðại tạng kinh Việt Nam.

st NAMOYTS

Nguồn: http://daitangkinhvietnam.com

08/09/2009 - Posted by | 2) BÁT NHÃ BỘ

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này